Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

Người làm chứng trong Tố tụng Hình sự

Người làm chứng trong Tố tụng Hình sự có vai trò vô cùng quan trọng trong trong vụ án hình sự. Người làm chứng có thể trực tiếp biết các sự việc có liên quan đến vụ án. Việc có hiểu biết về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng trong vụ án hình sự là vô cùng cần thiết. Để nắm được người làm chứng có quyền và nghĩa vụ gì, Luật L24H xin gửi đến quý bạn đọc những thông tin về vấn đề này.

Người làm chứng trong tố tụng hình sự

Người làm chứng trong Tố tụng Hình sự

Khái niệm người làm chứng trong tố tụng hình sự?

Căn cứ vào Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

Trường hợp người không đủ tiêu chí làm  người làm chứng?

Về trường hợp không đủ tiêu chí làm chứng, cá nhân thuộc các trường hợp sau sẽ không đủ tiêu chí làm người làm chứng:

  • Người mất năng lực hành vi dân sự.
  • Người bào chữa của người bị buộc tội: Người bào chữa chỉ được phép đưa ra những chứng cứ có lợi cho người bị buộc tội. Họ không thế làm chứng vì nghĩa vụ của người làm chứng là phải khai báo trung thực những gì họ biết về vụ án, nghĩa vụ đó mâu thuẫn với nghĩa vụ của người bào chữa.

Căn cứ Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Quyền của người làm chứng trong tố tụng hình sự?

Người làm chứng có vai trò vô cùng quan trọng và có những quyền sau:

  • Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ.
  • Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe doạ: người làm chứng có thể bị nguy hiểm hoặc chịu những hậu quả bất lợi do việc họ tham gia tố tụng và khai báo về những tình tiết của vụ án. Vì vậy, người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn và các quyền, lợi ích hợp pháp của người làm chứng và không được có những hành vi làm ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người làm chứng.
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
  • Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng

Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng

Nghĩa vụ của người làm chứng trong tố tụng hình sự?

Bên cạnh đó, người làm chứng trong Tố tụng hình sự có các nghĩa vụ cần thực hiện sau:

  • Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lí do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.
  • Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.
  • Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lí do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
  • Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.

Căn cứ Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Bảo vệ người làm chứng trong vụ án hình sự?

Khoản 3 Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ người làm chứng được yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng.

Đồng thời tại khoản 4 Điều 311 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã quy định:

“Trường hợp có căn cứ xác định người làm chứng, người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm thì Hội đồng xét xử phải quyết định biện pháp bảo vệ họ theo quy định của Bộ luật này và pháp luật khác có liên quan”.

Để bảo vệ người làm chứng, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

  • Bố trí lực lượng, phương tiện nghiệp vụ để canh gác bảo vệ đối với người được bảo vệ tại các phiên tòa, nhà ở, nơi làm việc, học tập, trên phương tiện giao thông và những nơi khác.
  • Giữ bí mật việc người làm chứng cung cấp những thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm nếu họ yêu cầu hoặc khi cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xét thấy họ có thể bị nguy hiểm do cung cấp những thông tin, tài liệu đó.
  • Di chuyển và giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, nơi học tập cho người làm chứng; trường hợp đặc biệt có thể được hỗ trợ kinh phí nếu xét thấy cần thiết.
  • Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối tượng có hành vi nguy hiểm cho người được bảo vệ, cho người làm chứng.

Khi nhận được những thông tin về yêu cầu cần bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương thu thập các tài liệu cần thiết để kiểm tra về tính xác thực của nguồn tin, mức độ nguy hiểm thực tế để là người làm chứng, phạm vi và đối tượng cần bảo vệ, dự kiến biện pháp bảo vệ, cân nhắc điều kiện và khả năng đáp ứng của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ để quyết định biện pháp bảo vệ phù hợp. Nếu xét thấy không cần thiết phải áp dụng các biện pháp bảo vệ, phải giải thích cho người có yêu cầu biết và hướng dẫn cho họ cách khắc phục bằng các biện pháp khác.

Bảo vệ người làm chứng

Bảo vệ người làm chứng

Người làm chứng tham gia vụ án hình sự trong những thủ tục nào?

Theo quy định các hoạt động mà người làm chứng tham gia trong vụ án hình sự là:

  • Tham gia hoạt động khám nghiệm hiện trường.
  • Hoạt động lấy lời khai người làm chứng.
  • Tham gia hoạt động đối chất.
  • Tham gia hoạt động nhận dạng.
  • ham gia hoạt động nhận biết giọng nói.
  • Tham gia phiên tòa xét xử.

Về thủ tục, người làm chứng sẽ tiến hành tham gia vào các hoạt động liên quan trong tố tụng hình sự theo quy định:

Triệu tập theo yêu cầu của Điều tra viên khi được gửi giấy triệu tập.  Việc giao giấy triệu tập được thực hiện như sau:

  • Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ;
  • Giấy triệu tập người làm chứng dưới 18 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện khác của họ;
  • Việc giao giấy triệu tập người làm chứng theo ủy thác tư pháp của nước ngoài được thực hiện theo quy định tại khoản này và Luật tương trợ tư pháp.

Lấy lời khai của người làm chứng:

  • Lấy lời khai người làm chứng được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó.
  • Nếu vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc, trao đổi với nhau trong thời gian lấy lời khai.
  • Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định. Việc này phải ghi vào biên bản.
  • Trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Điều tra viên yêu cầu người làm chứng trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những gì họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi.
  • Trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố thì Kiểm sát viên có thể lấy lời khai người làm chứng.

Căn cứ Điều 185, Điều 186 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Luật sư tư vấn về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng.

  • Tư vấn luật về các quy định bảo vệ người làm chứng trong tố tụng hình sự
  • Luật sư tư vấn thủ tục triệu tập, làm việc với người làm chứng trong quá trình xét xử vụ việc.
  • Luật sự trao đổi thông tin với người làm chứng để có thêm thêm thông bào chữa xác thực cho thân chủ.
  • Luật sư gặp mặt trao đổi với người làm chứng .
  • Luật sư thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu
  • Luật sư kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu liên quan đến lời khai của người làm chứng và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá.
  • Luật sư đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại tính xác thực của chứng cứ;
  • Luật sư tham gia vụ án hình sự với vai trò bào chữa cho bị can, bị cáo.

Vai trò của người làm chứng là vô cùng quan trọng trong quá xử lý vụ án hình sự. việc nắm bắt quy định về quyền và nghĩa vụ của mình là vô cùng cần thiết. Bài viết trên cung cấp các thông tin liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người làm chứng. Nếu Quý bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào cần giải đáp hoặc cần sử dụng dịch vụ luật sư hình sự, xin vui lòng liên hệ hotline 1900633716 để được luật sư hình sự hỗ trợ. Xin cảm ơn.



Bài viết được chia sẻ lại từ: Luật L24H https://luat24h.com.vn/nguoi-lam-chung-trong-to-tung-hinh-su
Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng August 21, 2022 at 11:00AM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tranh chấp tài sản gắn liền với đất

Các chủ đề tranh chấp liên quan đến đất đai dặt biệt là tranh chấp tài sản gắn liền với đất luôn là một chủ đề nóng với số lượng ngày càn...