Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

Hiện nay, hoạt động đầu tư, kinh doanh giữa các nước với nhau diễn ra rất sôi nổi. Do đó, các vụ việc tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều. Chính vì vậy, pháp luật quốc gia phải có những quy định về giải quyết tranh chấp dân sự, tranh chấp thừa kế, hợp đồng có yếu tố nước ngoài, xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam với các vụ việc,… Bài viết dưới đây của Luật L24H thông tin đến bạn đọc cách giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài.

>>> Tham khảo thêm về các trường hợp:

Giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

Giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

Tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài là gì?

Tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài là tranh chấp dân sự phát sinh giữa các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài là tranh chấp thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
  • Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
  • Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó là ở nước ngoài.

Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài?

Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam

Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

  • Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
  • Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc là cơ quan, tổ chức có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam đối các vụ việc liên quan đến hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam;
  • Bị đơn có tài sản tại Việt Nam;
  • Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
  • Vụ việc về quan hệ dân sự được xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ là tài sản tại Việt Nam hoặc công việc được thực hiện tại Việt Nam;
  • Vụ việc về quan hệ dân sự được xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ngoài Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.

>>> Tham khảo thêm về: Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Thẩm quyền riêng của Tòa án Việt Nam

  • Vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;
  • Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng đều cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
  • Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài

Thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài

Các trường hợp giới hạn thẩm quyền

Các bên đã thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc lựa chọn Tòa án nước ngoài là một trong những trường hợp giới hạn thẩm quyền trong Tư pháp quốc tế. Cụ thể những trường hợp Tòa án Việt phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam như sau:

  • Các bên thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài;
  • Vụ việc không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam mà thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước ngoài có liên quan;
  • Vụ việc không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam và đã được Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài thụ lý giải quyết;
  • Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài;
  • Bị đơn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 472 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

Pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên được lựa chọn thì pháp luật áp dụng được xác định theo lựa chọn các bên.

Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Cơ sở pháp lý: Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015.

Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

  • Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
  • Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định pháp luật về tố tụng.

Khi pháp luật nước ngoài không được áp dụng để giải quyết tranh chấp thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.

Cơ sở pháp lý: Điều 670 Bộ luật Dân sự 2015.

Khởi kiện tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

Khi muốn khởi kiện tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam thì nguyên đơn phải chuẩn bị hồ sơ khởi kiện. Những giấy tờ cần chuẩn bị để khởi kiện tranh chấp dân sự như sau:

Thứ nhất, về đơn khởi kiện.

  • Người khởi kiện có thể tự mình làm đơn khởi kiện hoặc nhờ các tổ chức hành nghệ luật làm đơn theo mẫu số 23 – Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
  • Nội dung và hình thức của đơn khởi kiện phải tuân theo quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
  • Đơn khởi kiện cần trình bày rõ nội dung vụ việc, những cá nhân tổ chức liên quan và yêu cầu khởi kiện để Tòa án nghiên cứu, xem xét giải quyết.

Thứ hai, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.

Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, nguồn của chứng cứ là:

  • Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
  • Vật chứng.
  • Lời khai của đương sự.
  • Lời khai của người làm chứng.
  • Kết luận giám định.
  • Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
  • Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
  • Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
  • Văn bản công chứng, chứng thực.
  • Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Đối với những tranh chấp dân sự khác nhau thì chúng ta có thể cung cấp cho tòa án những chứng cứ, tài liệu khác nhau:

  • Giấy ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các thủ tục tố tụng tại Tòa án.
  • Đối với tranh chấp ly hôn, chúng ta có thể cung cấp: giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy khai sinh của con, các chứng thư chứng minh tài sản chung…
  • Đối với tranh chấp đất đai những chứng cứ kèm theo có thể là: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ thửa đất, xác nhận của địa phương về tình trạng đất…
  • Đối với tranh chấp di sản thừa kế: di chúc, sổ hộ khẩu chứng minh quan hệ với người để lại di sản,….
  • Ngoài ra các tranh chấp khác chúng ta có thể cung cấp các hợp đồng giao dịch đối với các tranh chấp liên quan đến giao dịch dân sự….

Thứ ba, người khởi kiện cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân.

Chúng ta phải cung cấp cho tòa giấy tờ tùy thân của người khởi kiện cũng như bản sao giấy tờ tùy thân của người bị kiện (nếu có), cùng với đó là những giấy tờ chứng minh mối quan hệ với những người có liên quan trong yêu cầu khởi kiện để tòa án xem xét về quyền khởi kiện để làm căn cứ giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết để nộp đơn khởi kiện là một trong những bước quan trọng. Nếu như không thể xác định được Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết thì người khởi kiện có thể sử dụng dịch vụ luật sư tại các công ty luật, văn phòng luật sư,… để hỗ trợ trong vấn đề này.

Để chuẩn bị tốt cho việc khởi kiện, người khởi kiện có thể tham khảo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để hiểu rõ hơn về hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài.

Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

Các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài thường rất phức tạp, cần nhiều thời gian để giải quyết. Khi sử dụng dịch vụ luật sư sẽ được hỗ trợ về những vấn đề sau:

  • Tư vấn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam;
  • Tư vấn việc nộp đơn khởi kiện, đơn phản tố, đơn kháng cáo và các giấy tờ có liên quan;
  • Tư vấn luật về cách giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài có lợi cho khách hàng;
  • Tư vấn các trường hợp tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài;
  • Tư vấn giải quyết tranh chấp di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài;
  • Tư vấn giải quyết vụ việc về hợp đồng có yếu tố nước ngoài;
  • Tư vấn giải quyết tranh chấp lao động có yếu tố nước ngoài;
  • Tư vấn thủ tục khác như công nhận quyết định kết hôn có yếu tố nước ngoài, quy trình đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài….

Tư vấn giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

Tư vấn giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài

Bài viết trên đây chúng tôi đã tư vấn cho quý bạn đọc về giải quyết tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu quý bạn đọc cần hỗ trợ tư vấn thông tin về giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1900633716 để được Luật sư Dân sự hỗ trợ. Xin cảm ơn.



Bài viết được chia sẻ lại từ: Luật L24H https://luat24h.com.vn/tranh-chap-dan-su-co-yeu-to-nuoc-ngoai
Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng September 03, 2022 at 07:00AM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tranh chấp tài sản gắn liền với đất

Các chủ đề tranh chấp liên quan đến đất đai dặt biệt là tranh chấp tài sản gắn liền với đất luôn là một chủ đề nóng với số lượng ngày càn...